Thiết kế HMS_Agincourt_(1913)

Sơ đồ mạn phải và sàn tàu của chiếc Agincourt

Bối cảnh

Agincourt được đặt hàng vào năm 1911, dưới tên gọi Rio de Janeiro, như một phần của cuộc chạy đua dreadnought Nam Mỹ giữa Brasil, ArgentinaChile trong thập niên đầu tiên của Thế kỷ 20. Brazil muốn sở hữu một con tàu vượt hơn mọi chiếc tàu chiến đang được chế tạo. Thiết kế trưởng của hãng Armstrong Whitworth, Eustace Tennyson d'Eyncourt, đã phải đích thân đi đến Brazil để thảo luận về thiết kế và ký kết hợp đồng. Ông mang theo một loạt nhiều lựa chọn khác nhau cho chính phủ để xem xét, và họ đã chọn một kiểu trang bị pháo 12 inch (305 mm), một phần là để tương thích với các thiết giáp hạm khác đang hoạt động.[1]

Các đặc tính chung

Agincourt có chiều dài chung 671 ft 6 in (204,7 m), mạn thuyền rộng 89 ft (27 m) và tầm nước 29 foot 10 inch (9,1 m) khi đầy tải. Nó có trọng lượng choán nước tiêu chuẩn 27.850 tấn Anh (28.297 t), và lên đến 30.860 tấn Anh (31.355 t) khi đầy tải cùng một chiều cao khuynh tâm 4,9 ft (1,5 m) khi đầy tải.[2] Nó có đường kích quay vòng lớn, nhưng cơ động tốt bất chấp chiều dài lớn. Agincourt được xem là một bệ pháo tốt.[3]

Nó được xem là một trong những con tàu thoải mái nhất của Hải quân Hoàng gia và rất được ưa thích nếu được bổ nhiệm phục vụ. Cần phải am hiểu tiếng Bồ Đào Nha để làm việc với một số thiết bị, kể cả trong nhà vệ sinh, do những bảng hướng dẫn nguyên thủy chưa kịp thay thế sau khi bị Anh trưng dụng.[3]

Hệ thống động lực

Agincourt có bốn bộ turbine hơi nước Parsons dẫn động trực tiếp, mỗi chiếc nối với một trục chân vịt. Các turbine áp lực cao trước và sau dẫn động các trục phía ngoài trong khi các turbine áp lực thấp trước và sau dẫn động các trục phía trong. Chân vịt ba cánh có đường kính 9 foot 6 inch (2,9 m). Hệ thống động lực này được thiết kế để có công suất tổng cộng 34.000 mã lực càng (25.000 kW), nhưng khi chạy thử máy đã đạt hơn 40.000 shp (30.000 kW), vượt hơn đôi chút so với tốc độ thiết kế 22 kn (41 km/h).[4]

Hơi nước được cung cấp từ 22 nồi hơi ống nước Babcock and Wilcox với áp suất hoạt động 235 psi (1.620 kPa). Thông thường Agincourt mang theo 1.500 tấn Anh (1.500 t) than, nhưng có thể mang tối đa đến 3.200 tấn Anh (3.300 t) than cùng 620 tấn Anh (630 t) dầu đốt để phun lên than hầu làm gia tăng tốc độ cháy. Ở trữ lượng nhiên liệu tối đa, nó có thể đi được 7.000 hải lý (13.000 km; 8.100 dặm) ở tốc độ đường trường 10 hải lý trên giờ (19 km/h; 12 mph). Điện năng được cung cấp bởi bốn máy phát điện chạy bằng động cơ hơi nước.[5]

Vũ khí

Agincourt trang bị mười bốn khẩu pháo BL 12 in (300 mm) Mk XIII/ 45 caliber đặt trên bảy tháp pháo nòng đôi vận hành bằng thủy lực,[6] được gọi một cách không chính thức theo các ngày trong tuần từ Chủ nhật đến Thứ bảy theo thứ tự từ trước ra sau.[7] Đây là số tháp pháo và số khẩu pháo hạng nặng lớn nhất từng được trang bị cho một thiết giáp hạm.[8] Các khẩu pháo có thể hạ cho đến góc −3° và nâng lên đến 13,5°. Chúng bắn ra đạn pháo nặng 850 pound (386 kg) với lưu tốc đầu đạn 2.725 ft/s (831 m/s); ở góc nâng tối đa 13,5° chúng cho phép có tầm xa tối đa trên 20.000 yd (18 km) với kiểu đạn pháo xuyên thép AP 4chr. Trong chiến tranh các tháp pháo được cải biến để tăng góc nâng tối đa lên 16°, nhưng cũng chỉ giúp đưa tầm bắn tối đa lên 20.435 thước Anh (18.686 m). Tốc độ bắn của các khẩu pháo là 1,5 phát mỗi phút.[9] Khi bắn toàn bộ dàn pháo chính qua mạn, các trinh sát viên cho rằng: "Hậu quả của toàn bộ ánh lửa đầu nòng lớn đến mực gây ấn tượng là chiếc tàu chiến như bị nổ tung, thật là một cảnh tượng ghê sợ."[10] Việc bắn toàn bộ dàn pháo chính qua mạn không gây hư hại cho cấu trúc con tàu như người ta thường nghĩ, nhưng làm cho hầu hết bát đĩa và ly tách trên tàu bị vỡ.[11]

Vào lúc chế tạo, Agincourt được trang bị mười tám khẩu pháo BL 6 in (150 mm) Mark XIII/50 caliber hạng hai, gồm mười bốn khẩu đặt trong các tháp pháo ụ bọc thép trên sàn trên, và hai khẩu trên mỗi cấu trúc thượng tầng trước và sau bảo vệ bằng các tấm chắn. Có thêm hai khẩu bố trí trên các trục xoay đặt ngang cầu tàu được bổ sung vào lúc con tàu được Anh Quốc mua lại.[12] Các khẩu pháo có thể hạ cho đến góc −7° và nâng lên đến 13°, nhưng sau này được nâng lên đến 15°. Chúng có tầm xa tối đa 13.475 yd (12,322 km) ở góc nâng 15° khi bắn đạn pháo nặng 100 pound (45 kg)với lưu tốc đầu đạn 2.770 ft/s (840 m/s). Tốc độ bắn của chúng là từ năm đến bảy phát mỗi phút, nhưng bị giảm xuống còn ba phát mỗi phút sau khi bắn hết số đạn dự trữ tại chỗ vì thang nâng tiếp đạn chậm và không đủ cho các khẩu pháo được cấp đủ đạn. Các khẩu pháo này mang theo khoảng 150 viên đạn pháo mỗi khẩu.[13]

Việc phòng thủ tầm gần chống lại tàu phóng lôi được giao cho mười khẩu pháo QF 3 inch (76 mm)/45 caliber. Chúng được bố trí trên các trục xoay trên cấu trúc thượng tầng và chỉ được bảo vệ bởi các tấm chắn. Agincourt còn mang theo ba ống phóng ngư lôi ngầm 21 inch (533 mm), gồm một ống mỗi bên mạn và ống thứ ba phía đuôi. Nước xâm nhập vào ống phóng sau mỗi lần bắn được xả vào phòng ngư lôi để giúp vào việc nạp đạn rồi được bơm trở ra; điều đó có nghĩa là các pháo thủ phải làm việc ở mực nước ngập 3 foot (0,9 m) nếu được yêu cầu bắn nhanh. Con tàu mang theo tổng cộng mười quả ngư lôi.[14]

Kiểm soát hỏa lực

Mỗi tháp pháo được trang bị một máy đo tầm xa bọc thép đặt trên nóc tháp pháo, ngoài ra còn có một bộ bổ sung bên trên tháp quan sát trước. Vào lúc diễn ra trận Jutland năm 1916, Agincourt có lẽ là chiếc dreadnought duy nhất của Anh không được trang bị bảng điều khiển hỏa lực Dreyer.[15] Một bộ điều khiển hỏa lực sau đó được trang bị bên dưới tháp quan sát, và một tháp pháo được cải biến để điều khiển toàn bộ dàn pháo chính vào giai đoạn cuối chiến tranh.[5] Một bộ dẫn hướng khác dành cho pháo 6 inch (152 mm) được trang bị mỗi bên mạn vào những năm 1916-1917.[12]

Vỏ giáp

Phần quá lớn trọng lượng của Agincourt được dành cho vũ khí nên chỉ có ít còn lại dành cho vỏ giáp. Đai giáp ở mực nước chỉ dày 9 in (230 mm), so với 12 in (300 mm) hay hơn nữa trên những chiếc dreadnought Anh Quốc khác. Nó có chiều dài 365 ft (111 m), bắt đầu từ mép trước tháp pháo ‘Thứ Hai’ cho đến giữa tháp pháo ‘Thứ Sáu’. Phía trước khoảng này, đai giáp vuốt mỏng còn 6 in (150 mm) trong khoảng 50 ft (15 m) trước khi tiếp tục vuốt mỏng còn 4 in (100 mm) suốt cho đến mũi. Ở phía đuôi, đai giáp vuốt mỏng còn 6 inch trong khoảng 30 ft (9,1 m) rồi còn 4 inch nhưng không kéo dài đến tận đuôi, mà kết thúc ở vách ngăn phía sau. Đai giáp trên trải từ sàn trên đến sàn chính và dày 6 in (150 mm); nó kéo dài từ tháp pháo ‘Thứ Hai’ đến tháp pháo ‘Thứ Năm’. Các vách ngăn bọc thép ở mỗi đầu con tàu nghiêng vào bên trong từ mép các đai giáp giữa tàu đến cạnh các bệ tháp pháp pháo và dày 3 in (76 mm). Bốn lớp sàn tàu của Agincourt được bọc thép với độ dày thay đổi trong khoảng 2,5–1 inch (64–25 mm).[16]

Lớp vỏ giáp dành cho bệ tháp pháo là một điểm yếu nghiêm trọng trong sơ đồ bảo vệ của Agincourt. Chúng dày 9 in (230 mm) bên trên sàn tàu trên, nhưng giảm còn 3 in (76 mm) giữa sàn trên và sàn chính, và hoàn toàn không bọc giáp bên dưới sàn chính ngoại trừ tháp pháo ‘Chủ Nhật’ (3 inch), ‘Thứ Năm’ và ‘Thứ Bảy" (2 inch). Vỏ giáp của tháp pháo dày 12 in (300 mm) ở mặt trước, 8 in (200 mm) ở các mặt hông và 10 in (250 mm) ở mặt sau; nóc của chúng dày 3 inch ở phía trước và 2 in (51 mm) ở phía sau. Các tháp pháo ụ của dàn pháo hạng hai được bảo vệ bằng vỏ giáp dày 6 in (150 mm) và vách ngăn bằng các tấm chắn chống đạn lia cũng dày 6 inch.[5]

Tháp chỉ huy chính được bảo vệ bởi lớp giáp dày 12 in (300 mm) ở các mặt hông và 4 in (100 mm) trên nóc. Tháp chỉ huy phía sau (đôi khi còn gọi là tháp chỉ huy ngư lôi) có các mặt hông dày 9 in (230 mm) và nóc dày 3 in (76 mm). Các ống liên lạc xuống mỗi vị trí dày 6 in (150 mm) bên trên sàn trên và 2 in (51 mm) phía dưới. Mỗi hầm đạn được bảo vệ bởi hai tấm thép mỗi bên như như vách ngăn chống ngư lôi, tấm thứ nhất dày 1 in (25 mm) và tấm thứ hai dày 1,5 in (38 mm).[12]

Agincourt còn một điểm yếu nghiêm trọng khác khi lườn tàu của nó không được phân ngăn theo tiêu chuẩn của Hải quân Hoàng gia. Phía Brazil đã muốn loại bỏ mọi vách ngăn kín nước vốn giới hạn kích thước các khoang tàu và ảnh hưởng đến sự thoải mái của thủy thủ đoàn. Một ví dụ là phòng ăn của sĩ quan có kích thước lên đến 85 nhân 60 foot (25,9 m × 18,3 m), lớn hơn nhiều so với bất kỳ tàu chiến nào khác của Hạm đội Grand.[17]

Các cải biến trong chiến tranh

Khoảng 70 tấn Anh (71 t) thép với độ co dãn cao được bổ sung cho sàn tàu chính sau trận Jutland để tăng cường việc bảo vệ hầm đạn. Hai khẩu pháo 3 inch (76 mm) phòng không được trang bị trên sàn sau vào những năm 1917-1918; đồng thời một máy đo tầm xa cũng được gắn trên bệ đèn pha tìm kiếm của cột ăn-ten trước vào cùng thời gian đó. Cuối cùng, một máy đo tầm xa góc cao được bổ sung trên tháp quan sát vào năm 1918.[12]

Liên quan

Tài liệu tham khảo

WikiPedia: HMS_Agincourt_(1913) http://www.maritimequest.com/warship_directory/gre... http://www.navweaps.com/Weapons/WNBR_12-45_mk13.ht... http://www.navweaps.com/Weapons/WNBR_6-50_mk13.htm http://dreadnoughtproject.org/tfs/index.php/Aginco... http://www.navypedia.org/ships/uk/brit_bb_agincour... //www.worldcat.org/issn/0043-0374 //www.worldcat.org/oclc/914101 http://www.worldwar1.co.uk/battleship/hms-agincour... https://web.archive.org/web/20110721170752/http://... https://web.archive.org/web/20110909075511/http://...